Lịch sử ThinkPad 25 năm: từ Trái Đất lên không gian

ThinkPad từ lâu đã là một trong những thứ cái tên vô cùng đặc biệt khi nói về laptop. Xuất phát từ IBM rồi sau đó về với Lenovo, ThinkPad luôn giữ những cái chất riêng của mình, điển hình là TrackPoint núm đỏ huyền thoại, là độ bền cao được các doanh nghiệp ưa chuộng hay thiết kế màu đen xám không lẫn vào đâu được. Với nhiều anh em Tinh tế, ThinkPad là một người bạn đã đi cùng những ngày đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, và có khả năng bạn cũng đang đọc topic này trên một chiếc ThinkPad. Hãy xem thử qua 25 năm, ThinkPad đã tiến hóa như thế nào nhé.

 

1992: chiếc ThinkPad đầu tiên

Trong năm này, 3 model IBM ThinkPad đã ra mắt, đó là chiếc 700, 700c và 700t. Khác với những chiếc laptop trước đó, dòng ThinkPad 700 sử dụng một cái núm đỏ ở chính giữa bàn phím như là chuột, nhờ vậy người dùng không cần gắn thêm chuột rời hay trackball (cũng là một dạng chuột phổ biến ngày ấy). Điều đó giúp tăng tính di động của laptop.

Và đây cũng là lần đầu tiên núm TrackPoint huyền thoại ra đời. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng nói rằng chiếc máy đó là ThinkPad chỉ bằng cách nhìn vào núm đỏ trên bàn phím. Sau này HP, Dell và một số hãng khác cũng ra mắt laptop có TrackPoint nhưng tất nhiên không có cái nào nổi được như ThinkPad và đây chỉ là một phần bổ sung nhỏ với nỗ lực thu hút một số người dùng mới chuyển từ ThinkPad sang mà thôi.

Ngoài TrackPoint, chiếc ThinkPad 700c được trang bị cấu hình rất mạnh thời đó: màn hình màu 10,4". Lúc ấy laptop mà có màn hình màu là cũng dữ lắm rồi, thêm nữa là kích thước màn hình khá lớn nữa. Con chip bên trong cũng do chính IBM sản xuất với mã hiệu 486 SLC xung nhịp 25MHz, HDD có dung lượng 120MB. Giá của máy khá "rẻ", chỉ 4.350$ thôi.

 

1993: ThinkPad đi vào không gian

ThinkPad được NASA chọn làm laptop chính thức cho chuyến du hành vũ trụ của tàu con thoi Endeavour năm 1993. Nếu như hầu hết mọi thiết bị khác được gửi vào không gian cần phải được làm riêng hay chỉnh sửa rất nhiều so với bản dùng cho Trái Đất thì chiếc ThinkPad chỉ có vài điều chỉnh nhỏ, còn lại giữ nguyên như những chiếc laptop đang bán cho người tiêu dùng. Theo lời IBM, một nhiệm vụ của tàu con thoi thường mang theo trung bình 7 chiếc ThinkPad trong đó.

Năm 2012, Lenovo đưa ra những thông tin thú vị sau:

  • ThinkPad là chiếc laptop duy nhất được chứng nhận để dùng trên Trạm không gian quốc tế (ISS), giờ không biết có thay đổi gì không
  • ThinkPad đã có mặt ở ISS từ năm 1998
  • ThinkPad có mặt trên mọi chuyến bay của tàu con thoi
  • Laptop ThinkPad được sử dụng bởi tất cả những cơ quan không gian lớn trên thế giới, ví dụ như JAXA hay ESA, chủ yếu là nhờ vào việc họ hợp tác với NASA, mà NASA lại dùng ThinkPad
  • Một số bài test mà máy ThinkPad phải trải qua trước khi được phóng vào vũ trụ: kiểm tra phóng xạ, nhiệt độ, khả năng chịu nhiệt, khả năng bốc cháy...
  • Số lượng ThinkPad đã được sử dụng trên ISS là hơn 60 chiếc
  • Hơn 50 chuyến tàu con thoi đã bay lên không gian với ThinkPad bên trong

 

1995: bàn phím xếp

Vì ThinkPad có ngoại hình khá khiêm tốn nên việc tích hợp một bàn phím full size như trên máy tính để bàn luôn là một thách thức mà các kĩ sư IBM phải suy nghĩ. Chiếc ThinkPad 701c giải quyết vấn đề này bằng cách ra mắt một bàn phím xếp theo kiểu cánh bướm. Khi bạn mở nắp máy tính, bàn phím sẽ tự bung lớn ra. Bàn phím được chia cắt theo đường xéo nhưng khi ghép lại chúng trông rất liền lạc.

Tất nhiên, cục TrackPoint huyền thoại và hai nút chuột nằm dưới bàn phím vẫn tồn tại ở đó như là một lời tuyên ngôn của IBM. Thời này quả thật laptop còn rất vui và có nhiều thứ mới mẻ để khám phá.

 

1997: chiếc máy tính ultraportable đầu tiên

Ngày nay laptop mỏng nhỏ nhẹ không phải là hiếm, nhưng vào những năm 1997 mà bạn làm được một chiếc laptop nhỏ gọn thì lại là chuyện khác. Nhiều người cho rằng ThinkPad 560 là cái laptop ultraportable đầu tiên, nó sử dụng màn hình 12,1" và mỏng nhẹ hơn bất kì chiếc ThinkPad nào từng được ra mắt. Độ dày của máy là 1 inch, tức khoảng 2,54cm, và nặng chỉ 1,81 kg. Và mặc dù gọn gàng là thế nhưng IBM gần như không phải đánh đổi thứ nào khác: vẫn có bàn phím đủ rộng, vẫn có cấu hình cao, vẫn có chỗ để TrackPoint và các cổng kết nối quan trọng thời đó.

2000: dòng ThinkPad X ra đời

X20 là chiếc X Series đầu tiên xuất hiện, mở đường cho một loạt những máy cao cấp sau này. X20 với màn hình 12,1" được thiết kế để trở thành một chiếc máy tính thậm chí còn nhỏ gọn và cao cấp hơn so với chiếc 560 ở trên. Nó nặng chỉ 1,4kg mà thôi, một con số mà các máy tính ngày nay nhìn vào vẫn còn thèm thuồng. X20 sử dụng chip Intel Mobile Pentium III xung 600MHz, pin chạy được 3,8 tiếng - cũng rất ấn tượng vào thời đó.

Nói thêm về X Series, đây là các máy thay thế cho dòng 240 và 570 trước đó. Đây cũng là thời điểm IBM chuyển từ cách đặt tên chỉ dùng số sang sử dụng kí tự để phân biệt các dòng máy của mình với mục đích giúp người dùng dễ nhận biết sự khác nhau giữa các model. Đặc tính của dòng X là mỏng và nhẹ tiếp tục được duy trì ngay cả khi Lenovo mua lại mảng PC của IBM, và đại diện nổi bật nhất của X Series bây giờ là những chiếc X1 Carbon mỏng nhẹ sexy tuyệt vời với cấu hình không hề yếu chút nào.

2004: cảm biến vân tay

ThinkPad T42 là một trong những chiếc máy tính đầu tiên tích hợp cảm biến vân tay như một biện pháp bảo mật (ở dạng tùy chọn, cũng có bản không vân tay nữa). Thời đó người ta vẫn còn quen sử dụng password hoặc các giải pháp thẻ SmartCard để làm biện pháp xác thực, vậy nên sự xuất hiện của cảm biến vân tay trên T42 rất đáng quan tâm. Máy dùng chip Intel Pentium, card đồ họa của ATI. Kể từ đó về sau, rất nhiều máy ThinkPad cũng được tích hợp cảm biến vân tay và dần dần trở thành một thứ mặc định trên các laptop dành cho doanh nghiệp đến tận ngày nay.

2005: lật cái bàn

Năm 2005 là năm IBM bán bộ phận điện toán cá nhân của mình cho Lenovo. Mục tiêu của thương vụ này là giúp Lenovo tiến ra thị trường nước ngoài dễ dàng hơn chứ trước đó họ chủ yếu bán máy ở Trung Quốc. Việc sử dụng thương hiệu, các công nghệ hiện đại và những kênh bán hàng toàn cầu của ThinkPad cũng là lợi thế lớn mà Lenovo muốn có được. Được biết Lenovo đã trả 1,25 tỉ USD cho IBM cộng thêm 500 triệu USD mà IBM đang nợ. Ngay sau thương vụ này, Lenovo lập tức trở thành hãng sản xuất máy tính lớn thứ 3 thế giới xếp theo sản lượng. Ngày nay Lenovo đã vươn lên dẫn đầu thị trường, vượt qua cả những cái tên nổi tiếng như HP hay Dell.

Về phần IBM, họ vẫn nắm 18.9% cổ phần của Lenovo trong năm 2005 và đã dần giảm bớt con số này trong thời gian dài sau đó. Tháng 7/2008, cổ phần mà IBM nắm của Lenovo xuống dưới mức 5%, ngưỡng cần phải công bố thông tin về tình hình kinh doanh ra công chúng.

Cũng trong năm 2005, chiếc ThinkPad đầu tiên ra đời sau khi đã về với Lenovo: X41 Tablet. Chiếc máy này có thể xem là chiếc 2 trong 1 đầu tiên trên thế giới nhờ màn hình có thể xoay được. Thiết kế này cho phép người dùng viết, vẽ lên màn hình cảm ứng dễ dàng hơn.

2008: sợi carbon

Trong hơn một thập kỉ, ThinkPad chủ yếu được làm từ hợp chất titan hoặc vỏ ma-giê. Năm 2008, Lenovo chọn dùng một chất liệu mới: sợi carbon và vật liệu sợi thủy tinh. Hai loại vật liệu này giúp làm ra những chiếc máy nhẹ hơn trong khi vẫn bền bỉ xứng danh ThinkPad.

X300 là chiếc ThinkPad đầu tiên sử dụng những thứ này và nó cho thấy rằng một chiếc laptop doanh nghiệp vẫn có thể rất nhẹ với chỉ 1,32kg. Trang CNET đánh giá cỗ máy này như sau: "một chiếc laptop với màn hình lớn, bàn phím full size, và hầu như tất cả những chức năng mà một người dùng di động cần trong một thân hình nhỏ gọn và nhẹ nhàng".

2012: ThinkPad X1 Carbon

Năm 2012 là năm mà phong trào Ultrabook bắt đầu nổi lên nhờ sự khởi xướng từ Intel. Intel đưa ra những con chip và những linh kiện tối ưu cho laptop mỏng nhẹ, mục tiêu là cạnh tranh với MacBook Air từ Apple đang làm mưa gió trên cùng phân khúc.

Lenovo đương nhiên cũng đi theo xu hướng này nhưng họ chưa áp dụng vội với dòng ThinkPad, thay vào đó công ty đưa thiết kế mỏng nhẹ và các con chip mới lên dòng IdeaPad của hãng trước. Khi đã thấy được tiềm năng, Lenovo mang nó lên dòng X và thế là X1 Carbon ra đời. X1 Carbon Gen 1 mỏng hơn bất kì chiếc laptop ThinkPad nào từng được ra mắt, nó sở hữu đầy đủ các chức năng mạnh mẽ, xịn nhất thời bấy giờ với chip Intel Core i7 Ivy Bridge và cả ổ SSD nữa.

Kể từ đó, X1 Carbon đã trở thành một trong những model chủ lực của series ThinkPad, nó được làm mới qua từng năm với cấu hình và chức năng thay đổi chút chút, nhưng về cơ bản vẫn là những cái máy rất đẹp, rất mỏng.

2017: mỏng và nhẹ hơn bao giờ hết

Trong chỉ 5 năm, ThinkPad X1 Carbon đã chứng kiến nhiều sự biến đổi, trong đó có một bản sử dụng màn hình thay cho hàng phím Function nữa (trước cả MacBook Pro với Touch Bar). Lenovo không ngừng nghỉ cải tiến chiếc máy này để cho người dùng thấy rằng laptop cho business không nhất thiết cứ phải dày, nặng, xấu mà hoàn toàn có thể sang trọng, đẹp mắt giống như các sản phẩm tiêu dùng phổ thông khác, thậm chí còn đẹp hơn và xịn hơn.

Và bây giờ, chiếc X1 Carbon đời 2017 đang là mẫu máy mỏng nhẹ hơn bao giờ hết từ Lenovo dành cho người dùng chuyên nghiệp. Mời anh em xem kĩ hơn về mẫu X1 Carbon 2017 ở đây nhé. Hi vọng sẽ tiếp tục thấy thêm nhiều chiếc ThinkPad mới có sáng tạo hơn, xịn hơn nữa trong tương lai.

Được đăng vào

Viết bình luận